Bế mạc Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc năm 2023

Thứ ba - 26/09/2023 05:06
Sau ba ngày diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VIII - năm 2023 đã khép lại chiều 20/9 thành công tốt đẹp. Trường Chính trị Trần Phú Hà Tĩnh vinh dự có 2 giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi toàn quốc.
z4719615936115 88051f0e2a9d6e80b4001f2a96f428e8

Đây là lần đầu tiên Hội thi được tổ chức với quy mô toàn quốc tại một địa điểm, là cơ hội để tất cả các trường chính trị trong toàn quốc được gặp gỡ giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác lãnh đạo, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, và nghiên cứu khoa học. Phát biểu bế mạc Hội thi, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thi đánh giá, các giảng viên đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực, tự tin, hoàn thành tốt nhất 3 nội dung thi, bám sát những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội XIII và các nghị quyết gần đây của Đảng; tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào bài giảng; cập nhật các vấn đề lý luận và thực tiễn mới, liên hệ thực tiễn sinh động, mang tính thời sự cao.

z4719618577436 50a30b35bf3e31c3d1f341bda092d1f0

Bên lề cuộc thi Đoàn cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Trần Phú Hà Tĩnh đã đi dâng hương tại Di tích lịch sử Ngã ba Giồng và Khu trại giam bệnh viện Chợ Quán – nơi đồng chí Trần Phú hy sinh. Ngã ba Giồng là một địa danh thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh (xưa thuộc làng Xuân Thới Tây), nơi đây được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia vào năm 2002 theo Quyết định số 39/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa và Thông tin. Đêm 22 rạng sáng ngày 23 tháng 11 năm 1940 tại khu vực Ngã ba Giồng đã diễn ra sự kiện nhân dân Hóc Môn và Chợ Lớn, Gia Định, Sài Gòn vùng lên trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Từ sau ngày 23 tháng 11 đến ngày 31 tháng 12 năm 1940 đã trở thành trường bắn của thực dân Pháp.

z4719621979942 f68e364d815b9718b7d62d58b074f883

Tại đây thực dân Pháp đã bắt và xử bắn 903 cán bộ, đảng viên, nhân dân đã tham gia cuộc khởi nghĩa, trong đó có Nguyễn Văn Cừ nguyên Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, Phan Đăng Lưu nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyễn Thị Minh Khai nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, và Võ Văn Tần nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng… Đứng trên mảnh đất đầy linh thiêng, đoàn cán bộ Trường Chính trị Trần Phú vô cùng xúc động, cảm phục ý chí chiến đấu bất khuất, kiên cường, sự hy sinh cao cả của đồng chí, đồng bào ta trước tội ác dã man của giặc Pháp.

z4719619314471 55f5988e1f175e4fd28ecef0bc3fc31d

Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới) là bệnh viện xưa nhất ở Sài Gòn được xây dựng xong năm 1864. Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia vào ngày 16.11.1988. Bệnh viện chuyên điều trị các loại bệnh truyền nhiễm và bệnh tâm thần. Trong quá trình xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã bắt bớ, tra tấn dã man đến lâm bệnh nhiều chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Vì cần khai thác tin tức, nên chúng đưa tù nhân vào khu nhà nhốt bệnh nhân tâm thần của bệnh viện Chợ Quán để vừa điều trị cầm chừng vừa tiếp tục tra hỏi. Từ đó, khu nhà nhốt bệnh nhân tâm thần trở thành nơi giam giữ những người tù bị bệnh. Khu này được biến thành một nhà tù nhỏ, có hình chữ U gồm 4 khu: trại giam nam, trại giam nữ, khu cách ly, trại biệt giam (riêng khu này được xây dựng trong thời Mỹ ngụy). Khu trại giam này là một nhà tù thu nhỏ, một di tích sống động nói lên ý chí kiên cường bất khất của các cán bộ, chiến sĩ cách mạng, tiêu biểu là đồng chí Trần Phú– Tổng bí thư đầu tiên của Đảng. Đồng chí Trần Phú là một tấm gương sáng chói về lòng dũng cảm, về tinh thần chiến đấu của người cộng sản tuy bị giam giữ trong nhà tù, thân thể đau yếu nhưng ông vẫn không chịu khất phục trước uy lực và sự bạo tàn của kẻ thù. Noi gương đồng chí có biết bao đảng viên, chiến sĩ đã đứng vững trên vị trí chiến đấu của mình trong khắp các nhà tù thực dân, đế quốc.
 
z4719621268564 ec87b8bedc1fa5bea08fbeb467478a9c


Ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại nơi đây với lời căn dặn "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu". Lời căn dặn ấy nhắc nhở chúng ta dù trong bất kỳ điều kiện nào, hoàn cảnh nào cũng phải luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết. Tinh thần bất diệt của lời nhắn nhủ vang vọng vẫn đang cổ vũ, thôi thúc các thế hệ người Việt Nam hôm nay quyết tâm phấn đấu hoàn thành sự nghiệp cách mạng của Đảng, đưa đất nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội như khát vọng mà cố Tổng Bí thư Trần Phú đã trọn đời cống hiến.
Trần Phú anh ơi đã thác rồi
Thác mà như thế đẹp gương soi
Bao phen sóng gió đâu sờn dạ
Mấy trận đòn tra chẳng hở môi
Giọt máu anh hùng giờ tơi tả
Trái tim vô sản vẫn không rời
Tuy anh đã thác gương còn sáng
Thác được như anh sáng suốt đời
(Bài thơ được anh chị em tù chính trị ở khám lớn Sài Gòn năm 1931 làm để truy điệu tiễn đưa đồng chí Trần Phú).

Tác giả: Th.S Nguyễn Thị Phương Thuý - GV khoa Nhà nước và Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập56
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay12,067
  • Tháng hiện tại89,781
  • Tổng lượt truy cập6,960,545
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây